Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công ông Táo lên chầu trời, báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo truyền thống
Thông thường, người dân chuẩn bị cá chép, mâm cỗ mặn, ngọt cho ngày này.
Để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, ở miền Bắc người dân cúng cá chép sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" đưa ông Táo về trời. Cá chép sẽ được phóng sinh (thả ra ao, hồ, sông) sau khi cúng.
Ngày nay, phong tục phóng sinh cá chép vẫn còn, song ở một số gia đình sẽ thay thế cá chép thật bằng các hình thức khác để phù hợp hơn như cá chép làm từ chè, xôi, rau câu, bánh, …
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc nhà mình.
Với mâm cỗ mặn, thường có 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng, 1 bát canh mọc hoặc canh măng; 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò; 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng.
Với mâm cỗ ngọt có 1 đĩa chè kho; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen, 3 chén rượu; 1 quả bưởi; 1 quả cau, lá trầu, 1 bình hoa đào nhỏ; 1 lọ hoa cúc; tập giấy tiền, vàng mã; cá chép sống, với mong muốn các vị Táo ăn cho ngọt giọng, lên gặp Ngọc Hoàng sẽ chỉ nói tốt đẹp về gia đình mình.
Những mâm cỗ xa xỉ có giá đến vài trăm triệu đồng
Song song với những mâm cỗ vài triệu đồng, nhiều gia đình chịu chi tiền chục, tiền trăm triệu cho mâm cỗ. Sau nhiều năm làm dịch vụ, anh H (Quận 5) cho biết thường anh nhận trang trí mâm cỗ 23 tháng chạp từ trước đó vài tuần, có mâm lên đến gần một trăm triệu gồm các loại trái cây, bánh trái và bàn tiệc, chưa kể rượu ngoại.
Chỉ riêng mâm quả gồm các loại trái cây như nho mẫu đơn, dâu trắng, hồng Nhật Bản và một số loại trái cây Việt được chạm trổ hoa văn công phu đã tốn tiền chục triệu.
Loại nho mẫu đơn cao cấp xuất phát từ tỉnh trồng nho ngon nhất Nhật Bản là Nagano có giá trên dưới 5 triệu một chùm, hơn 1,2 triệu/kg dâu trắng, hơn 500 nghìn cho một trái hồng loại thượng hạng và vài triệu đồng cho các loại trái cây tuyển chọn như bưởi, dưa hấu được chạm trổ.
Những trái cây này không chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, chúng còn đảm bảo tính thẩm mỹ, tăng sự trang trọng cho gia chủ, với kỳ vọng một năm tới sung túc, đầm ấm. "Thế nhưng, không phải ai cũng mua được chúng, người mua phải đặt hàng từ sớm, chờ đợi để nhận được những thứ trái cây hảo hạng" - Chị Trinh, chuyên cung cấp hàng trái cây nhập khẩu cao cấp cho biết.
Còn mâm cỗ, giá thành cũng không có giới hạn. Nếu có xuất hiện chim công, chim trĩ, giá thành nguyên liệu không hề rẻ. Do vậy một mâm cỗ bao gồm nem công, chả phượng, gà Đông Tảo và các món ăn truyền thống khác có giá trên chục triệu đồng. Nếu chủ nhà sử dụng rượu quý thì mỗi chai rượu đã hàng chục, hàng trăm triệu đồng là chuyện không hiếm.
Câu chuyện dân gian về ông Công ông Táo
Phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Nàng Thị Nhi lấy chàng Trọng Cao. Chàng Trọng Cao đi buôn bán làm ăn giàu có về nhà khinh khinh rẻ vợ. Thị Nhi buồn bỏ đi gặp chàng Phạm Lang rồi lấy chàng.
Trọng Cao làm ăn thua lỗ, làm người ăn mày đến nhà Phạm Lang khất thực. Chỉ Thị Nhi ở nhà, nàng xót nghĩa xưa cho chàng ăn uống.
Lúc đó, Phạm Lang về, nàng giấu Trọng Cao vào đống rơm. Phạm Lang ra đốt rơm bón ruộng. Trọng Cao chết. Thị Nhi thấy có lỗi liền lao vào. Phạm Lang muốn cứu vợ cũng lao theo.
Cả ba người chết cháy hóa thành ba ông đầu rau ("đầu rau" là biến âm của từ Hán Việt cổ là "đầu lô" mà thành).
Tình nghĩa của ba người cảm động trời xanh, Ngọc Hoàng cho họ làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
Họ không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Đến nay, câu chuyện về ông Công ông Táo không quá nhiều người biết tới, nhưng ngày 23 tháng chạp đã trở thành ngày đặc biệt của mỗi một gia đình người Việt, là truyền thống tốt đẹp mỗi dịp xuân về.
Hoàng Đường
Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/vi-sao-nhung-mam-co-cung-ong-cong-ong-tao-co-gia-hang-tram-trieu-a23682.html