"Tiến thoái lưỡng nan" là cụm từ nhiều báo Nhật dùng để mô tả hoàn cảnh của Hoàng gia Nhật Bản hiện nay. Mặc dù số thành viên ngày càng ít, song hoàng gia không thể tự giải quyết vấn đề này mà phải thông qua chính phủ và các nguyên tắc khác có từ sau Thế chiến thứ II.
Nhật hoàng là biểu tượng của Nhật Bản, còn chế độ quân chủ là biểu tượng của chế độ phụ hệ. Do đó, sự phân biệt đối xử với phụ nữ thể hiện rõ nhất trong hoàng gia." - Nhà tâm lý học lâm sàng SAYOKO NOBUTA bình luận với Hãng thông tấn Kyodo
Kế hoạch mở rộng
Ngày 22-12 năm ngoái, một ủy ban chính phủ được giao nhiệm vụ nghiên cứu giải pháp đảm bảo sự ổn định của hoàng gia đã đề xuất phương án cho phép các công chúa kết hôn với thường dân được giữ lại tước hiệu.
Đề xuất thứ hai là tìm kiếm các hậu duệ nam thuộc 11 nhánh trong hoàng gia xưa và nhận họ làm con nuôi. Những người thuộc các nhánh này bị tước bỏ tước hiệu theo đạo luật năm 1947, giai đoạn Mỹ đang chiếm đóng Nhật Bản.
Đề xuất đầu tiên đồng nghĩa với việc xóa bỏ quy định đã buộc công chúa Mako phải từ bỏ tước vị khi kết hôn với thường dân hồi tháng 10 năm ngoái. Cô là con gái lớn của Thân vương Fumihito - em trai Nhật hoàng Naruhito và là người sẽ kế vị ngai vàng trong tương lai.
Đề xuất thứ hai được các nhóm bảo thủ trong Đảng Dân chủ tự do cầm quyền ủng hộ. Tuy nhiên, theo báo Mainichi, chưa rõ có bao nhiêu người dân sẽ hiểu và thông cảm với việc mở rộng hoàng gia khiến ngân sách công phải chi nhiều hơn.
Do Nhật hoàng Naruhito đã lớn tuổi nên gần như chắc chắn Thân vương Fumihito sẽ kế vị. Người con trai duy nhất của ông, hoàng tử Hisahito (sinh năm 2006), sẽ nối ngôi khi cha qua đời hoặc thoái vị.
Nhắc đến điều này, tờ Nikkei Asia cảnh báo: Chế độ quân chủ theo truyền thuyết đã hơn 2.600 năm của Nhật Bản sẽ ra sao nếu người kế vị Hisahito không có con trai?
Trong bài xã luận tuần trước, tờ Mainichi cũng cho rằng việc mở rộng thành viên hoàng gia chỉ là biện pháp tạm thời.
"Liệu người Nhật có công nhận một nữ hoàng hay Nhật hoàng có cha hay gốc gác không phải hoàng đế không?", tờ báo có từ thời Nhật hoàng Minh Trị đặt vấn đề.
Nữ Nhật hoàng thứ 9?
Nữ hoàng không phải là điều mới lạ trong lịch sử Nhật. Đã từng có tới 8 nữ hoàng và người gần nhất lên ngôi cách đây… 250 năm. Mọi con mắt đang đổ dồn về công chúa Aiko - người vừa tròn 20 tuổi vào tháng 12 năm ngoái, là con gái duy nhất của Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako.
Công chúa sẽ không thể thành nữ hoàng, nếu đạo luật năm 1947 còn hiệu lực. Điều này hoàn toàn khác với chế độ quân chủ Anh hoặc Hà Lan - nơi cho phép con cả của quốc vương kế vị bất kể giới tính.
Theo tuần báo Nikkei Asia, các cuộc thăm dò cho thấy xã hội Nhật đang dần cởi mở hơn với việc có một nữ hoàng. Tuy nhiên, các nhà lập pháp cùng nhóm cử tri bảo thủ liên tục tạo áp lực buộc hoàng gia phải truyền ngôi cho con trai. Rào cản này khiến việc Nhật có nữ hoàng thứ 9 không dễ xảy ra.
Trong đề xuất trình Thủ tướng Kishida Fumio, ủy ban chuyên về hoàng gia đề nghị không thảo luận về chuyện kế vị cũng như quy định chỉ nam giới được nối ngôi. Theo họ, đây chưa phải lúc thích hợp và chỉ nên xem xét điều đó khi hoàng tử Hisahito lên ngôi. Nói cách khác, ủy ban muốn chờ xem hoàng tử Hisahito có con trai không rồi tính tiếp.
Điều đó tạo ra áp lực với vị hoàng tử mới 15 tuổi, nhưng cậu không phải người duy nhất trải qua những căng thẳng như vậy. Bác của hoàng tử, tức Hoàng hậu Masako, từ lâu đã phải đối diện những căng thẳng phải có con trai để nối ngôi, theo Hãng thông tấn Kyodo.
Mẹ chồng bà, Hoàng thái hậu Michiko, cũng từng gặp vấn đề tâm lý khi truyền thông săm soi mọi thứ lúc ngài Akihito lên ngôi năm 1989.
Trao đổi với Nikkei Asia, phó giáo sư Hideya Kawanishi (ĐH Nagoya, Nhật) cảnh báo cả hai đề xuất của ủy ban phụ trách hoàng gia "sẽ không giải quyết được vấn đề một cách cơ bản".
Theo ông, các công chúa khi đã kết hôn có thể sẽ không muốn sống cuộc đời vương giả bị ràng buộc khắt khe. Trong khi đó, việc nhận những người đã lớn lên như công dân bình thường làm con nuôi sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Lan Lê/Theo Tuổi trẻ