Vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, đế quốc Ba Tư dưới sự cai trị của Cyrus Đại Đế, trở thành quốc gia hùng mạnh ở Tây Á. Với sức mạnh của mình Cyrus đưa quân đi chinh phục khắp nơi và thành lập đế quốc rộng lớn đến 2 triệu km2. Bấy giờ Hy Lạp mới chỉ là một tiểu quốc nhỏ bé tại châu Âu. Nhưng Alexander Đại Đế đã khiến cho thế cục đó thay đổi…
Trước khi Alexander (Tên gốc tiếng Hy Lạp là Alexandros) chào đời, Đế quốc Ba Tư đã bắt dầu dòm ngó sang châu Âu. Từ Năm 490 đến năm 480 TCN quân Ba Tư tiến đánh Hy Lạp nhưng đều gặp thất bại.
Dù tiểu quốc Hy Lạp cùng đồng minh của mình đã chiến thắng trong hai cuộc xâm lược đó, nhưng chênh lệch sức mạnh so với người khổng lồ Ba Tư vẫn là quá lớn. Thế nhưng chẳng ai ngờ rằng chỉ 100 năm sau, tiểu quốc Hy Lạp đã có đủ sức mạnh để làm nên một cuộc lật đổ vĩ đại nhất lịch sử thế giới, đánh bại người khổng lồ Ba tư để trở thành Đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, chinh phục 5 triệu km2 khắp cả 3 châu lục.
Lãnh thổ đế quốc Ba Tư (màu xanh lá) vào thời Cyrus Đại Đế. (Tranh: ChrisO, Wikipedia, Public Domain)
Sự hùng mạnh của Hy Lạp là nhờ một vị vua kiệt xuất của lịch sử thế giới: Alexander Đại Đế. Ông kiệt xuất không chỉ bởi vì ông khiến cho Hy Lạp hùng mạnh, mà còn bởi vì văn minh Hy Lạp nhờ ông mà lan truyền và trở thành cái nôi của văn minh châu Âu.
Người học trò của nhà thông thái bậc nhất thế giới Aristoteles
Ngày ngày 20 tháng 7 năm 356 TCN, Hoàng cung của vương quốc Macedonia thuộc Hy Lạp cổ đại tràn ngập ánh sáng và tiếng cười chào đón hoàng tử, con của vua Philippos II và Nữ hoàng Olympia. Hoàng tử được đặt tên là Alexander.
Với ý định muốn Alexander sau này nối ngôi mình, năm 343 TCN, vua Philippos II nhờ nhà hiền triết lừng danh lúc đó là Aristoteles dạy dỗ hoàng tử.
Aristoteles được xem là nhà thông thái nổi tiếng bật nhất lúc đó, là môn đệ xuất chúng của Platon. Phần mình, Platon lại là học trò của Socrates, người đặt nền móng vững chắc cho nền văn minh Hy Lạp. Đây là ba nhà thông thái nổi tiếng, được xem là ba người đặt nền tảng cho triết học và khoa học của thế giới phương Tây.
Aristoteles. (Ảnh: Jastrow, Ludovisi Collection, Wikipedia, Public Domain)
Dưới sự dạy bảo của Aristoteles, hoàng tử Alexander hấp thu những tinh hoa bậc nhất của nhân loại thời bấy giờ. Khi Aristoteles mới dạy Alexander thì hoàng tử mới là một cậu bé 13 tuổi bồng bột và ốm yếu, nhưng lại rất thích cưỡi ngưa và thường xuyên tập cưỡi. Biết rằng hoàng tử có ước mơ trở thành chiến binh anh hùng, Aristoteles đã cố gắng làm giảm đi sự bồng bột của hoàng tử.
Aristoteles đã huấn luyện Alexander về mọi mặt như thuật hùng biện và văn học, gợi lên các sở thích về khoa học và triết học trong hoàng tử. Ngoài sở thích cưỡi ngựa, Alexander cũng say mê luyện tập binh pháp và nghiên cứu lịch sử thế giới, những điều này đều là nền tảng cho những chiến công của vị Đại Đế sau này.
Tượng Alexander Đại Đế. (Ảnh: Tkbwikmed, Wikipedia, Public Domain)
Theo một vài sử gia thì Alexander coi Aristoteles như cha ruột của mình và về phần Alexander cũng đã từng tuyên bố muốn học hỏi và coi trọng sự hiểu biết hơn là chinh phục thế giới.
Thu phục chiến mã
Để có thể trở thành một chiến binh thì điều không thể thiếu là một con chiến mã. Sự nhạy cảm và thông minh đã khiến Alexander thuần phục được một con ngựa kiệt xuất lúc bấy giờ, là chiến mã Bucephalus, ngay khi hoàng tử còn nhỏ tuổi. Bucephalus sau này đã đi theo Alexander chinh chiến khắp nơi.
Bích họa Alexander Đại Đế cưỡi chiến mã Bucephalus. (Tranh: House of the Faun, Pompeii, Wikipedia, Public Domain)
Trong cuốn sách “Alexander the Great” (Alexander Đại Đế) của Waldemar Heckel và John Yardley có mô tả việc Alexander thuần phục được con chiến mã Bucephalus như sau:
Một lái buôn người xứ Thessaly là Philoneicus đã mang con chiến mã dũng mãnh này đến bán cho vua Philippos II, với giá là 13 đồng talent. Nhà vua và các quan cận thần trong Triều đình cùng ra một cánh đồng, và tại đó mọi người thay nhau ra sức thuần phục con chiến mã. Con chiến mã thật quá hung dữ và khó có thể bị chế ngự: nó không cho bất kỳ một ai cưỡi lên lưng nó, nó cũng không để tâm đến bất kỳ một lời khuyên nào của mọi người dưới sự cổ vũ của Philippos II mà toàn là hất họ ra.
Nhà vua tức giận, bèn đem trả con ngựa táo tợn này vì nó thật quá hoang dã và không thể kiềm chế được, nhưng Alexandros khi đang đứng đó, liền nói: “Họ mất một con ngựa như thế chẳng qua là vì họ không có kinh nghiệm và quá hèn nhát để có thể thu phục được nó.”
Vua Philippos II. (Ảnh: Jastrow, Wikipedia, Public Domain)
Đầu tiên vua Philippos II vẫn im lặng chứ không thèm để ý. Nhưng do Alexander vẫn than vãn lặp đi lặp lại và trở nên hết sức buồn bã, vua Philippos II mới phán: “Hoàng nhi cứ chê bai những người lớn tuổi hơn con cứ như là con biết nhiều hơn và làm tốt hơn họ vậy”. Hoàng tử Alexander trả lời: “Ít ra thì con cũng biết thuần phục con ngựa này chứ không tệ như họ!” Vua cha lại hỏi: “Và nếu Hoàng nhi không thể thu phục được nó, thì con phải làm gì để trả giá cho cái tính bốc đồng của con?”
Alexander không ngần ngại trả lời: “Con sẽ trả tiền mua con ngựa này, dưới sự chứng giám của thần linh”. Thế là tất cả mọi người cười phá lên.
Alexander đánh cuộc và chàng chạy đến con chiến mã. Chàng nắm lấy dây cương và dắt con ngựa đi. Chỉ tiếp xúc chưa lâu, chàng nhận ra rằng con chiến mã này thường trở nên hoảng sợ khi nhìn thấy cái bóng của chính nó ở phía trước khi nó đi ngược hướng mặt trời. Vì vậy chàng dắt con ngựa đứng yên đối diện với mặt trời rồi dắt nó đi theo hướng này. Mỗi khi con ngựa tỏ vẻ hung hăng hay giận dữ, chàng lại khẽ vuốt ve nó. Bất thình lình, Alexander nhảy lên lưng con chiến mã rồi nhẹ nhàng nhưng cương quyết giật dây cương cho đến khi tất cả vẻ hung dữ của con ngựa biến mất. Rồi chàng ra lệnh cho con Bucephalus phi nước đại, với giọng điệu hùng hồn hơn hẳn.
Tượng Alexander Đại Đế đang thu phục chiến mã Bucephalus. (Ảnh: Stefan Schäfer Lich, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)
Vua Philippos II và những người khác đứng xem rất lo lắng cho đến khi nhìn thấy Alexander thành công trở về. Nhà vua hết sức vui sướng và thỏa mãn, ông mừng đến mức rơi lệ. Trong khi đó, tất cả mọi người đều ầm ầm vỗ tay.
Người ta nói rằng nhà vua bế Alexander lên và hôn vào trán của chàng, sau đó ông đặt con xuống và tuyên bố: “Hỡi con trai của ta, con hãy tự tìm cho mình một vương quốc xứng đáng vì Macedonia quá nhỏ bé với con”.
Trần Hưng/ trithucvn.org
Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/alexander-dai-de-da-tro-nen-vi-dai-nhu-the-nao-ky-1-hoc-tro-cua-aristoteles-a23469.html