'Những người giàu trầm lặng' ở Nhật Bản: Không gái gú, ghét phô trương, tích cực đi làm dù đã thừa tiền, dạy con cách làm giàu từ bé

Người giàu ở Nhật Bản rất khác so với người giàu ở Trung Quốc hay phương Tây, giới đại gia có người thậm chí sống bình dị như cư dân thông thường mà chẳng ai nhận ra sự khác biệt.

gioi-sieu-giau-nhat-ban-1640014577.jpg
Giới siêu giàu Nhật Bản sống bình lặng đến khó tin.

Nhắc đến giới đại gia là mọi người thường nghĩ đến cuộc sống xa hoa chất đầy hàng hiệu với những cuộc vui cùng vô số chân dài. Hình ảnh giới nhà giàu Trung Quốc vung tiền cho các bữa tiệc, những con ông cháu cha tập đoàn gia đình trị (Chaebol) Hàn Quốc so bì nhau về đẳng cấp hay các tỷ phú công nghệ Phương Tây thác loạn cùng gái gọi và ma tuý đã trở nên quá quen thuộc.

Thậm chí ngay cả với giới thượng lưu lâu đời, họ cũng thường nhốt mình trong những khu biệt thự rộng lớn, cao cổng kín tường tại những khu vực ít dân cư.

Thế nhưng ở Nhật Bản, lối sống của giới nhà giàu lại hoàn toàn khác hay ít nhất là cũng chẳng dị biệt như vậy. Theo tờ Japan Times, giới đại gia tại đây có người thậm chí sống bình dị như cư dân thông thường mà chẳng ai nhận ra sự khác biệt.

Người giàu trầm lặng

Với người Nhật Bản, khái niệm giàu có là phải đẳng cấp, phải thể hiện sự khác biệt là điều gì đó rất lạ lẫm bởi chúng đi ngược lại văn hoá vì tập thể đã tồn tại vô số năm qua. Nhờ sự đùm bọc, đoàn kết, hy sinh vì tập thể mà Nhật Bản đã chống chọi được với thiên tai, chiến tranh để gây dựng lên nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Do đó vấn đề bất bình đẳng, mất đoàn kết trong xã hội là một chủ đề vô cùng nhạy cảm, dễ kích động sự phản đối nên ngay cả khi giàu có thì các đại gia Nhật cũng rất ít phô trương.

Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến lối sống của đại gia Nhật Bản là do kinh tế tăng trưởng chậm trong hơn 20 năm qua. Sức tiêu dùng của Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn hồi phục như thời đỉnh cao thập niên 1960 và chính những cuộc khủng hoảng đã khiến các đại gia Nhật nói riêng và người dân nói chung thích một cuộc sống tiết kiệm.

Chính nỗi sợ hãi phá sản này đã khiến sức tiêu dùng của Nhật Bản chưa hồi phục lại hoàn toàn như thời đỉnh cao bất chấp hàng loạt các chính sách kích cầu của chính phủ. Ngoài ra tình trạng giảm phát (Deflation) cũng đóng góp cho tình trạng ít chi tiêu này của người dân.

Thêm nữa, yếu tố lão hoá dân số cũng khiến các tỷ phú Nhật không năng động được như nhiều quốc gia khác. Phần lớn giới nhà giàu tại Nhật Bản là những người đã có tuổi và họ có quan điểm hưởng thụ hoàn toàn khác so với các nhà giàu tuổi trẻ.

Vậy giới đại gia Nhật đang sống như thế nào và họ tiêu số tiền khổng lồ của mình ra sao?

Những người giàu trầm lặng ở Nhật Bản: Không gái gú, ghét phô trương, tích cực đi làm dù đã thừa tiền, dạy con cách làm giàu từ bé - Ảnh 2.

Vung tiền mua hàng xa xỉ hay ăn chơi thác loạn, khoe giàu là lối sống khá kỳ lạ với nhà giàu Nhật Bản

Giá trị vô hình

Mặc dù không thích phô trương nhưng giới truyền thông Nhật vẫn gọi giới siêu giàu là "Cho Fuyuso". Tác giả Atsushi Miura của cuốn "The New Rich" đã tìm hiểu và phát hiện khoảng 1,3 triệu người Nhật, tương đương 1% tổng dân số có tài sản từ 100 triệu Yên trở lên (20 tỷ đồng-VND) và thu nhập hàng năm đạt tối thiểu 30 triệu Yên (6 tỷ VND).

Nghiên cứu của Miura cho thấy giới đại gia Nhật không thích phô trương. Họ chẳng xây biệt thự hay vung tiền vào đồ xa xỉ. Thay vào đó, các tỷ phú Nhật Bản thường chi tiêu cho những giá trị vô hình như nghệ thuật, tham gia các buổi diễn văn hoá hay đấu giá tác phẩm thay vì mua xe thể thao, trang sức...

Tất nhiên, đã là nhà giàu thì họ cũng hay đi du lịch, cũng có du thuyền hay các sản phẩm phục vụ cuộc sống thượng lưu lúc cần thiết. Tuy nhiên khi trở lại đời thường, một người giàu Nhật Bản nhìn chung chẳng khác gì bao công dân khác.

Một yếu tố khá thú vị nữa là giới đại gia Nhật thường hay mua đồ nội địa và du lịch trong nước hơn quốc tế, họ thích rượu nội Nihonshu hơn rượu vang ngoại, ưa các tác phẩm nghệ thuật cổ truyền hơn là văn hoá Phương Tây.

ruou-sa-ke-cao-cap-nihonshu-1640014921.jpg
Đại gia Nhật thường hay mua đồ nội địa và du lịch trong nước hơn quốc tế, họ thích rượu nội Nihonshu hơn rượu vang ngoại

Người Nhật có niềm tự hào dân tộc cực lớn và dĩ nhiên là các sản phẩm, dịch vụ của họ cũng có chất lượng thuộc hàng đầu thế giới. Bởi vậy việc dùng hàng nội địa và hưởng thụ chất lượng sản phẩm, dịch vụ cao có thể đi song hành với nhau.

Bên cạnh đó, các đại gia Nhật cũng hiểu được vai trò của mình trong xã hội khi ý thức được rằng mỗi khoản chi tiêu cho hàng nội địa sẽ đóng góp cho nền kinh tế hay những hộ gia đình nghèo khác. Một số chuyên gia kinh tế học còn nói vui rằng chính giới nhà giàu Nhật Bản mới là những người hiểu và tuân theo điểm cốt lõi của chiến lược hồi phục kinh tế "Abenomics" do cựu Thủ tướng Shinzo Abe đề ra.

Mặc dù vậy, tương tự như nhiều tỷ phú trên thế giới khác, một số đại gia Nhật Bản cũng tìm cách lách thuế khi mua tài sản ở nước ngoài hay rót vốn vào các thiên đường thuế.

Trong cuốn "Capital in the Twenty-First Century", tác giả Thomas Piketty đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản là một trong những nước đánh thuế rất cao với nhà giàu. Thuế thu nhập cho các đại gia tại đây có thể lên đến 45%. Có lẽ chính nguyên nhân này cũng khiến giới tỷ phú Nhật Bản không muốn quá khoa trương.

Những người giàu trầm lặng ở Nhật Bản: Không gái gú, ghét phô trương, tích cực đi làm dù đã thừa tiền, dạy con cách làm giàu từ bé - Ảnh 3.

Rất khó để phân biệt một người giàu tại Nhật Bản nếu họ không muốn phô trương

"Kẻ giàu lười biếng"

Một đặc điểm điển hình mà tác giả Miura nhận thấy ở giới nhà giàu Nhật Bản là bất kể họ kiếm tiền từ 2 bàn tay trắng hay thừa kế thì cũng không có "kẻ giàu lười biếng" (Idle Rich). Phần lớn các đại gia Nhật Bản vẫn kiếm công việc để làm hoặc xây dựng khối tài sản được thừa kế chứ không ăn chơi trác táng, sống mơ màng hưởng thụ hay khoe giàu như nhiều nơi khác.

Một ví dụ điển hình cho lối sống giàu có nhưng không phô trương là Cựu chủ tịch Haruka Nishimatsu của Japan Airlines, hãng hàng không Nhật Bản lớn thứ 6 thế giới về lượng hành khách. Dù giàu có nhưng ông Nishimatsu vẫn đi xe buýt đến công ty hàng ngày, cùng ăn trưa với nhân viên trong căn tin hay mua đồ ở những cửa hàng bán quần áo giảm giá.

"Lối sống khắc khổ đã ăn sâu vào người Nhật chúng tôi như một phần của văn hoá Nho giáo, nghĩa là không nên than phiền về sự nghèo khó khi người khác cũng đang than thở về nó. Chính nhờ văn hoá này mà người dân không bạo động hay phản đối chính phủ vì để xảy ra hơn 20 năm giảm phát, thay vào đó chúng tôi chịu đựng và cùng chung tay vươn lên", ông Nishimatsu cho biết.

Theo tác giả Miura, phần lớn người giàu Nhật Bản thích truyền thừa cách làm giàu hơn là chỉ tiền bạc. Thay vì để trẻ tự do phát triển sống đời sung sướng, giới nhà giàu Nhật giáo dục để chúng hiểu cách hoạt động của tiền bạc và không ỷ lại vào tài sản thừa kế.

Những người giàu trầm lặng ở Nhật Bản: Không gái gú, ghét phô trương, tích cực đi làm dù đã thừa tiền, dạy con cách làm giàu từ bé - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nghiên cứu của Miura cho thấy phần lớn trẻ em các gia đình giàu tại Nhật không quá mong chờ thừa kế tài sản. Thay vào đó những đứa trẻ này được dạy dỗ cách cha mẹ chúng làm giàu và được khuyến khích có những chiến lược đầu tư từ bé.

Báo cáo của Nomura Research cho thấy trong khi chỉ 8% dân số có kinh nghiệm về đầu tư tài chính thì 24% trẻ em trong các gia đình có tài sản trên 100 triệu Yên đã từng đầu tư. Thậm chí 52% số trẻ em trong các gia đình này có hẳn 1 danh mục đầu tư (Porfolio) của riêng mình.

Ở một khía cạnh khác, tác giả Piketty cho biết thuế thừa kế tại Nhật Bản lên đến 55% nên các con cháu gia đình giàu có đều hiểu họ không thể trông chờ quá nhiều vào tài sản thừa kế. Tất nhiên một số gia đình giàu cũng có xu hướng chuyển đến Singapore hay Australia, nơi thuế thừa kế thấp hơn nhưng với văn hoá tự hào dân tộc, xu thế này là không phổ biến.

Theo Huyền Băng / Doanh nghiệp và tiếp thị

Theo Huyền Băng / Doanh nghiệp và tiếp thị

Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/nhung-nguoi-giau-tram-lang-o-nhat-ban-khong-gai-gu-ghet-pho-truong-tich-cuc-di-lam-du-da-thua-tien-day-con-cach-lam-giau-tu-be-a23400.html