Các khách sạn hạng sang đang làm gì để trở nên khác biệt?

Tỷ suất lợi nhuận tính trên mỗi mét vuông tại các căn phòng suite độc-lạ có thể cao hơn từ 5 đến 100 lần so với những căn phòng bình thường.

04-rr-biz-illo-1140x641-1639461144.jpg
 

Bất cứ du khách nào quay trở lại phòng nghỉ cao cấp nhất tại khách sạn Prince de Galles ở Paris vào mùa lễ hội cũng đều nhận ra sự thay đổi về môi trường xung quanh. Sáu tháng trước đó, căn phòng nghỉ duplex này đã bị phá bỏ và được tái tạo lại bằng các món đồ trang trí nội thất tùy biến đầy tinh tế cùng các tác phẩm hội họa ấn tượng, trong khi cầu thang được làm lại bằng đồng và sơn mài đen, còn cửa sổ được mở rộng để mang đến tầm nhìn toàn cảnh ôm trọn vẻ đẹp ngoạn mục của Tháp Eiffel và Sacré-Coeur.

Kiệt tác kiến trúc Art Deco này được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác với thương hiệu pha lê Pháp Lalique và nhà thiết kế Patrick Hellmann có trụ sở tại Berlin. Màn hợp tác này đã giúp tạo nên một trong những chốn dừng chân xa hoa nhất thành phố.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các khách sạn hạng sang ở Paris, Prince de Galles, một thành viên thuộc Luxury Collection của Marriott cần phải khác biệt nếu muốn thành công. Dựa vào nét đặc sắc của Lalique tại Trung Quốc, độ nổi tiếng của Hellmann ở Nga và lối thiết kế mang phong cách Art Deco đương đại của mình vốn được biết đến trên toàn thế giới, khách sạn này đặt mục tiêu thu hút những vị khách siêu giàu từ khắp nơi trên thế giới.

Với diện tích khoảng 176 m2 cho các tầng cao nhất cộng với sân thượng rộng 1.050 m2 sở hữu tầm nhìn hướng ra toàn cảnh thành phố, khách sạn thu hút du khách bởi các bức tường pha lê và những tuyệt tác đèn ngủ thiết kế theo mẫu Masque de Femme mang tính biểu tượng của Lalique, cánh cửa khảm vàng với họa tiết hình xương cá cùng phòng tắm bằng đá cẩm thạch Grigio Carnico tối màu, vòi tắm bằng pha lê độc đáo.

Không gian Suite Lalique do Patrick Hellmann thiết kế tại The Prince de Galles

Suite Lalique do Patrick Hellmann thiết kế là một phần của xu hướng đang gia tăng ở kinh đô nước Pháp cũng như trên toàn thế giới. Để bắt kịp sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, các khách sạn phải “lột xác” triệt để, mở rộng các căn hộ penthouse của mình và thiết kế thêm những không gian mới tương tự nếu không muốn “lãnh đủ”. Và họ đang chuyển hướng hợp tác với các nhà thiết kế cũng như các thương hiệu nhằm tạo ra nét độc đáo, đồng thời tận dụng hiệu ứng đồng vận của nhau.

Các khách sạn hy vọng những dự án này sẽ giúp nâng cao hình ảnh và thúc đẩy lợi nhuận của mình. Động lực cho cả hai mục tiêu này đã tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực xa xỉ, thu hút giới Hoàng gia, nhà tài phiệt cùng các gia tộc siêu giàu trên thế giới.

Theo thông tin của Hiệp hội Kinh doanh Du lịch Toàn cầu (Global Business Travel Association) và CWT (trước đây có tên là Carlson Wagonlit Travel), tỷ lệ chi tiêu trung bình hàng ngày đã tăng đều đặn trong sáu năm qua, lên tới 3,7% vào năm 2018 và 2019. Và khi các khách sạn mới gia nhập thị trường, “các khách sạn và khu nghỉ dưỡng hiện hữu chắc chắn phải nỗ lực rất nhiều. Họ biết rằng người tiêu dùng sẽ bị cuốn hút bởi những tên tuổi mới” – Matt Arrants, đại diện của Tập đoàn tư vấn khách sạn Pinnacle Advisory Group, cho biết.

“Phòng suite đóng vai trò quan trọng cho các khách sạn ở đây”, Philippe Leboeuf, Tổng giám đốc của Mandarin Oriental Paris khai trương vào năm 2011, cho biết. Ông cũng lưu ý rằng sự cạnh tranh đã tăng lên đáng kể tại Paris, khi khu vực này chứng kiến sự gia nhập của Peninsula và Shangri-La, màn nâng cấp của Crillon và Le Meurice cùng kế hoạch ra mắt của Bulgari và Cheval Blanc thuộc Tập đoàn LVMH. “Việc tạo nên những căn phòng suite có thiết kế sang trọng hơn cùng tầm nhìn ngoạn mục hơn là một cách để trở nên khác biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt”, Lebufuf chia sẻ.

Vào tháng 6 năm ngoái, khách sạn của Lebufuf đã ra mắt phòng suite rộng tới 427m2, một căn penthouse trị giá 35.300 USD/đêm do studio Gilles & Boissier của Pháp thiết kế. Paris có thể được xem là biểu tượng của xu hướng này, nhưng nhiều thành phố khác trên thế giới cũng đang bắt đầu thay đổi theo chiều hướng đó. Tại Luân Đôn, trong năm nay dự kiến sẽ có thêm 8.000 phòng khách sạn, 10% trong số đó là không gian siêu sang – khách sạn Rosewood mới chỉ tròn sáu tuổi đã khai trương Lincoln House ba phòng ngủ rộng 251 m2 có mức giá 14.300 USD vào mùa thu năm qua.

Căn phòng ấn tượng này bao gồm không gian nhà bếp với một đầu bếp riêng, thang máy riêng, một phòng chiếu phim ấm cúng và một khu vực riêng cho trẻ con. Một dấu ấn khác của thế hệ phòng suite siêu sang kiểu mới này chính là không gian mở với thiết kế hiện đại, mang lại những phút giây giải trí và thư giãn đáng nhớ. Tại Lincoln House, khu vực sinh hoạt, ăn uống và giải trí được thiết kế linh hoạt trên mái tầng ba của tòa nhà mang phong cách Edward 1914.

Các khách sạn phải “lột xác” triệt để, mở rộng các căn hộ penthouse của mình và thiết kế thêm những không gian mới

Đó không chỉ là không gian vật lý với diện tích đang ngày càng rộng lớn hơn. Manhattan Sky Suite thuộc thương hiệu Park Hyatt cũng đang không ngừng hoàn thiện các dịch vụ và tiện nghi đi kèm, từ quản gia riêng, đầu bếp riêng, cho đến dịch vụ đưa đón sân bay bằng trực thăng Blade hay dịch vụ spa cho tối đa sáu người. Ngoài việc đưa đón sân bay, Suite Lalique của Prince de Galles còn cung cấp dịch vụ trợ lý riêng 24/7 theo yêu cầu của du khách và thậm chí là cả nhân viên pha chế riêng theo yêu cầu.

Đó có thể là kết quả của sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng cuộc đua này cuối cùng sẽ giúp tạo ra một thứ gì đó vô cùng dễ chịu, một kiểu “trải nghiệm chuyển đổi” theo cách gọi của Gerald Krische, Tổng giám đốc Prince de Galles. Suite Lalique mang đến khả năng “tận hưởng một không gian độc đáo trong một thành phố tuyệt vời” như thể đó là ngôi nhà của riêng họ. Và đó chính là một trải nghiệm độc nhất vô nhị mà bất cứ ai cũng khát khao có được.

Andrew Sessa

Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/cac-khach-san-hang-sang-dang-lam-gi-de-tro-nen-khac-biet-a23394.html