Những cư dân “sinh ra ở vạch đích” tại Thâm Quyến: Con cháu của người đánh cá, nông dân sở hữu khối tài sản 30 tỷ USD, ngồi chơi cũng có tiền

Thế hệ con cháu của người đánh cá, nông dân ở Thâm Quyến ngày nào giờ đều giàu có, ngồi chơi cũng có tiền.

Tàu cao tốc Vibrant Express có thể đi từ Hong Kong tới Thâm Quyến trong 14 phút. Bước khỏi nhà ga Futian, bạn sẽ đặt chân tới một thành phố khổng lồ của Trung Quốc - nơi trước đây khoảng những năm 1980, chỉ là vùng đất của những ngôi làng nghèo khó.

Hiện nay, ở nơi mà trước đây mọi người dân chủ yếu làm ruộng, bạn có thể ở tại khách sạn Ritz, mua một chiếc Porsche 380.000 USD và nếu đủ giàu, bạn thậm chí có thể tiến hành một thỏa thuận kinh doanh tại nơi được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc".

Bên ngoài những cửa hàng Gucci, Louis Vuitton, khung cảnh đã thay đổi nhiều. Nếu nhìn kỹ, những ngôi làng cổ xưa vẫn còn đây nhưng người dân thì đã giàu lên nhanh chóng. Những con số thậm chí khiến nhiều người giật mình: 300.000 người dân đô thị Thâm Quyến đang nắm trong tay khối tài sản 30 tỷ USD.

Tờ Bloomberg nhận định, khối tài sản này chủ yếu nhờ may mắn khi vào năm 1980, Trung Quốc tuyên bố Thâm Quyến là Đặc khu kinh tế đầu tiên. Hiện nay, nơi đây đã trở thành một trong những khu vực có giá bất động sản đắt bậc nhất trên thế giới.

Những cư dân “sinh ra ở vạch đích” tại Thâm Quyến: Con cháu của người đánh cá, nông dân sở hữu khối tài sản 30 tỷ USD, ngồi chơi cũng có tiền - Ảnh 1.

Trong nhiều thập kỷ, những thế hệ trước đây đã khôn khéo nâng niu di sản của họ, đa dạng hóa sự nắm giữ ở hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã khác nhau. Thế hệ những người thừa kế của họ hiện xếp vào hạng những công dân giàu có bậc nhất của Trung Quốc. Hiện tại, khi mà hàng triệu người Trung Quốc đổ về đây để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, những người dân làng ở Thâm Quyến trở thành chủ nhà trọ của nhiều người trong số đó.

Tuy nhiên thời gian gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi mục tiêu "thịnh vượng chung". Kể từ đó các cuộc chỉnh đốn những công ty big tech bắt đầu diễn ra và một vài trong số đó có trụ sở ở Thâm Quyến.

Các nhà đầu tư toàn cầu thực sự sốc. Một vài nhà đầu tư tức giận còn gọi Trung Quốc là nơi "không thể đầu tư được" vào thời điểm hơn 1,5 nghìn tỷ USD bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc. Các thành viên của những thế hệ đầu của thành phố này hiện đang hoài nghi rằng liệu may mắn của họ có phải đang dần mất đi không.

Một tiếng chuông vang lên vào một buổi tối cuối mùa hè tại quảng trường trung tâm ở thị trấn Huanggang. Các đường phố xung quanh nhộn nhịp mua sắm, các quán ăn bán vịt quay, súp thịt lợn và mì tấp nập. Nhưng ngước nhìn lên trên, bạn sẽ thấy một tòa nhà chọc trời bằng thép và kính kiểu dáng đẹp - đó là tháp thương mại Huanggang. Điều thú vị là chính quyền thị trấn này sở hữu một phần tòa nhà đó. Và đây cũng chỉ là một phần của danh mục đầu tư rộng lớn của chính quyền thị trấn.

Giống như các chuyên gia ở phố Wall hoặc ở London, hầu hết các ngôi làng ở Thâm Quyến đã chấp nhận một quy tắc chính của nhà đầu tư toàn cầu ngày nay: Đa dạng hóa. Huanggang cũng sở hữu khách sạn Asta Futian Thâm Quyến, tòa tháp văn phòng Wong On và một cổ phần nhỏ trong một ngân hàng địa phương cùng một số các tài sản khác.

Trong những buổi phỏng vấn với truyền thông, người dân ở Thâm Quyến luôn cho rằng thành công của họ là do làm việc chăm chỉ, lãnh đạo tốt và cam kết tạo ra sự giàu có cho tất cả mọi người trong làng của họ.

Nhiều người dân có xu hướng tin tưởng vào các công ty của chính quyền để giữ cho tài sản của gia tộc phát triển. Những người dân tham gia đầu tư vào các công ty như vậy đều được nhận cổ tức hàng năm. Trong những năm gần đây, các khoản thanh toán đã đạt khoảng 20.000 nhân dân tệ (3.100 USD) cho mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em, tương đương với khoảng 30% tổng thu nhập trung bình hàng năm của các hộ gia đình Trung Quốc. Nhưng cổ tức chỉ là một phần. Là người dân gốc ở đây, nhiều người còn trở thành chủ nhà trong một thành phố vốn có rất nhiều người thuê nhà.

Harry Zhuang, 25 tuổi là một trong những người may mắn. Gia đình anh sở hữu một tòa nhà 12 tầng ở Huanggang. Tòa nhà có 12 căn hộ cho thuê để ở với mức giá 463 USD/tháng cùng một vài cửa hàng nhỏ. Mỗi năm, tòa nhà mang về cho Harry khoảng 2 triệu NDT. Đây là mức cao chưa kể những thu nhập khác.

"Tôi nghĩ chúng tôi rất may mắn".

In Yulv – một người dân khác, thành viên của gia tộc Zeng đã nhận 100.000 NDT cổ tức mỗi năm. Nhiều cư dân trẻ tuổi ở đây chọn những công việc nhàn hạ ở các công ty. Với các đồng nghiệp từ nơi khác đến, một số người không muốn thảo luận về nguồn gốc gia đình của mình vì sợ gặp phải những người ít khá giả hơn. Catherine Zeng, 24 tuổi nhớ lại rằng một công ty đã từ chối đơn xin việc của cô chỉ vì cô là người ở địa phương.

Khi tìm được công việc khác, vị sếp mới tiếp tục tỏ ra hoài nghi về việc liệu cô có sẵn sàng làm việc không. "Tại sao bạn không ở nhà, nhận tiền thuê nhà cũng đủ sống rồi mà". Gia đình cô sở hữu 2 tòa căn hộ.

Đối với một số người, dân làng Thâm Quyến tượng trưng cho sự thành công của thành phố hiện đại, siêu năng động này. Khi những người khác bỏ chạy, tổ tiên của họ ở lại, và đã gặt hái được những phần thưởng xứng đáng khi kinh tế bắt đầu tăng trưởng. Ngày nay, nền kinh tế của Thâm Quyến thậm chí lớn hơn tất cả các thành phố của Na Uy gộp lại.

Những người khác ít may mắn hơn. Khi mọi người từ khắp Trung Quốc đổ về Thâm Quyến, nhiều người đã phải vật lộn để tìm chỗ đứng, họ nhìn người dân địa phương và ghen tị. Khi vừa mới tới đây, Mey Zhang, 28 tuổi nói cô cũng không trách cứ gì về việc những người dân gốc gác ở đây giàu có. "Tôi chỉ ước ông bà mình có tầm nhìn xa hơn và chuyển tới đây sống từ vài thập kỷ trước".

Vân Đàm

Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/nhung-cu-dan-sinh-ra-o-vach-dich-tai-tham-quyen-con-chau-cua-nguoi-danh-ca-nong-dan-so-huu-khoi-tai-san-30-ty-usd-ngoi-choi-cung-co-tien-a23382.html